Nấm mũ tử thần – Loài nấm độc nhất thế giới

Ngày đăng: 30/07/2024

Nấm mũ tử thần hay nấm tử thần là loại nấm cực độc. Nó là nguyên nhân gây ra hơn 90% vụ ngộ độc nấm, khiến nhiều người tử vong nhất trên toàn thế giới. Trong bài viết hôm nay, Giàu Chất sẽ cung cấp những thông tin hữu ích về nấm mũ tử thần. Từ đó, bạn có thể dễ dàng nhận biết và tránh ăn phải loại nấm độc này.

Nấm mũ tử thần là gì?

Nấm mũ tử thần hay nấm tử thần có tên khoa học là Amanita phalloides. Nấm độc thuộc họ Amanitaceae (bộ Agaricales). Đây là loại nấm nguy hiểm nhất đối với con người. Nó là nguyên nhân của phần lớn các vụ ngộ độc nấm trên toàn thế giới, một số trong đó được chứng minh là gây tử vong.

  • Loài: Amanita phalloides.
  • Chi: Amanita.
  • Họ: Amanitaceae.
  • Bộ: Agaricales.

Giống như nhiều loại nấm, nấm mũ tử thần là loại nấm rễ cộng sinh và hình thành mối quan hệ cộng sinh với rễ cây. Nấm khai thác khả năng quang hợp của cây chủ, sử dụng sợi nấm mịn giống như rễ của nó để hút đường từ rễ. Đổi lại, nấm tử thần giúp cây hấp thụ các chất dinh dưỡng như phốt pho và nitơ từ đất. Nấm còn có thể làm tăng khả năng chịu hạn và kháng bệnh của cây.

Nấm mũ tử thần mọc ở đâu?

Nấm mũ tử thần có nguồn gốc từ châu Âu và rất phổ biến khắp lục địa cũng như trên Quần đảo Anh. Ban đầu, người ta tưởng rằng loài nấm này cũng là thực vật bản địa ở nhiều khu vực khác. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu Hoa Kỳ đã chứng minh rằng nấm mũ tử thần được đưa đến Bắc Mỹ trên rễ cây nhập khẩu, dựa trên bằng chứng lịch sử và phân tích DNA. Hiện nay, nấm tử thần được coi là loài xâm lấn ở mọi châu lục, trừ Nam Cực.

Nấm mũ tử thần thường mọc gần các cây lá rộng (sồi, bạch dương, cây du) hay vườn cây, thậm chí cả trong công viên và khu vườn. Ở miền đông Hoa Kỳ, nấm tử thần thường liên kết với cây thông. Điều này có thể là do một chủng Amanita phalloides hơi khác mọc ở khu vực này hoặc do sự cạnh tranh với các loài nấm Amanita bản địa.

Nấm mũ tử thần là gì?
Nấm mũ tử thần là gì?

Đặc điểm của nấm mũ tử thần

Hình dáng bên ngoài của nấm mũ tử thần khá giống với các loài nấm không độc khác. Chính vì vậy nấm dễ bị nhầm lẫn và làm tăng số vụ ngộ độc ngoài ý muốn.

  • Mũ nấm Amanita phalloides có nhiều màu sắc: từ vàng lục đến nâu, rám nắng, đôi khi có màu trắng. Mũ nấm có thể có ánh kim loại theo thời gian hoặc phơi khô. Mũ có đường kính từ khoảng 4 – 16 cm. Ban đầu, nó có hình bán cầu, sau đó lồi, cuối cùng mở rộng ra phẳng, nhẵn, ẩm ướt khi ướt, bóng khi khô.
  • Thịt bên trong có màu trắng và không đổi màu khi thái lát.
Nấm mũ tử thần khi còn non
Nấm mũ tử thần khi còn non
  • Nấm non được bao phủ hoàn toàn bởi một lớp màng xung quanh – lớp màng sau trở thành bao gốc nấm khi nấm trưởng thành và nở ra phần mũ. Bao gốc nấm không phải lúc nào cũng rõ ràng trên mặt đất và đôi khi chỉ có thể được xác định bằng cách đào toàn bộ cây nấm lên.
  • Cuống nấm có màu trắng hoặc hơi vàng và dài khoảng 5 – 18 cm. Cuống nấm tương đối đều hoặc đôi khi thon dần lên trên với đường kính từ 1 – 3 cm. Nó có một lớp vòng trên cuống (thân) của nấm như một chiếc váy.
  • Phiến nấm: ở mặt dưới mũ nấm có màu trắng, dày đặc, không dính vào cuống.
  • Các bào tử nhẵn và có hình elip, bào tử có màu trắng.
  • Nấm mũ tử thần có mùi dễ chịukhi nấm còn non, nhưng mùi hôi dần và rất khó chịu theo thời gian
  • Những người vô tình ăn phải nấm tử thần mô tả nó có vị rất ngon, mặc dù nó có chất độc chết người và cần được xử lý cẩn thận và không được ăn trong bất kỳ trường hợp nào.

Vì sao nấm mũ tử thần là loài nấm độc nhất thế giới?

Amanita phalloides được coi là loài nấm độc nhất thế giới do chứa các hợp chất cực kỳ độc hại, chủ yếu là amatoxin, trong đó amatoxin alpha-amanitin là độc tố chính. Nấm mũ tử thần được cho là nguyên nhân gây ra cái chết của Hoàng đế La Mã Charles VI và có thể cả Hoàng đế La Mã Claudius.

Dưới đây là một số lý do khiến cho nấm mũ tử thần lại nguy hiểm đến vậy:

Độc tính cao

Nấm mũ tử thần chứa 3 loại độc tố chính: amatoxin, phallotoxin và virotoxin. Người ta vẫn chưa biết chức năng của chất độc đối với tự nhiên là gì.

Amatoxin ở nấm mũ tử thần ngăn cản sản xuất DNA, gây suy gan và thận, nếu không điều trị sẽ dẫn đến hôn mê và tử vong. Một cây nấm chứa lượng độc tố lớn, chỉ cần ăn một miếng nhỏ cũng đủ giết người trưởng thành (ước tính khoảng 0,1 mg/kg trọng lượng cơ thể). Độc tố không bị phá hủy bởi đun sôi, nấu, đông lạnh hay làm khô nấm. Chất nhuộm indocyanine green đã chữa ngộ độc ở chuột nhưng chưa thử nghiệm trên người.

Dễ nhầm lẫn

Nhiều người bị ngộ độc do ăn nấm mũ tử thần là vì họ đã nhầm lẫn loại nấm này với các loại nấm ăn được phổ biến khác. Ví dụ, nấm đồng thông thường (Agaricus campestris), nấm rơm ăn được (Volvariella volvacea) là hai loại nấm phổ biến ở châu Á.

Do nấm mũ tử thần tiếp tục lan rộng sang các khu vực mới nên người dân ở một khu vực nhất định có thể chưa biết đến sự hiện diện của nấm độc.

Nấm mũ tử thần - Loài nấm độc nhất thế giới
Nấm mũ tử thần – Loài nấm độc nhất thế giới

Triệu chứng xuất hiện muộn

Các triệu chứng ngộ độc nấm mũ tử thần bao gồm: buồn nôn, đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, xuất hiện sau 6 – 24 giờ. Do đó, nhiều người không nhận ra nguyên nhân từ việc ăn nấm. Uống nước giúp giảm triệu chứng, nhưng có thể khiến nạn nhân trì hoãn điều trị y tế.

Trong trường hợp nặng, ngộ độc gây hạ huyết áp, nhịp tim nhanh, hạ đường huyết và rối loạn axit-bazơ. Sau 2-3 ngày, tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn với các triệu chứng như vàng da, mê sảng, co giật và hôn mê do suy gan và bệnh não gan. Suy thận và rối loạn đông máu cũng có thể xảy ra. Các biến chứng đe dọa tính mạng như tăng áp lực nội sọ, xuất huyết nội sọ, viêm tụy, suy thận cấp và ngừng tim. Tử vong thường xảy ra trong vòng 6-16 ngày sau khi ngộ độc.

Khó điều trị

Khi bị ngộ độc nấm tử thần, điều trị y tế kịp thời là việc rất cần thiết để ngăn ngừa tổn thương cơ quan gây tử vong. Phương pháp điều trị điển hình bao gồm:

  • Dùng than hoạt tính hoặc rửa dạ dày.
  • Bù nước và điện giải tích cực.
  • Sử dụng các biện pháp điều trị triệu chứng khác như lọc máu, thay huyết tương
  • Trong một số trường hợp có thể cần phải ghép gan.

Cây kế sữa (Silybum marianum) đã được nghiên cứu như một phương pháp điều trị khả thi, vì nó ngăn chặn chất độc lưu thông trong gan, giúp thận có thời gian lọc chất độc.

Kết luận

Nấm mũ tử thần (nấm tử thần) có vẻ ngoài khá giống với nhiều loại nấm thông thường khác, thậm chí có hương vị khá ngon. Tuy nhiên, loại nấm này cực độc, gây nôn mửa, co giật, tổn thương gan nghiêm trọng và thậm chí tử vong.

Hi vọng những chia sẻ trên đây của Giàu Chất sẽ giúp bạn có thêm những thông tin hữu ích để nhận biết và tránh ăn phải loại nấm mũ tử thần này.

Đánh giá dinh-duong
0
    0
    Đơn hàng
    Đơn hàng trốngQuay lại Shop